Khởi động xử lý nợ xấu

Với sự hình thành và đi vào hoạt động gần đây của Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), VAMC được kỳ vọng sẽ là nhân tố then chốtgiải quyết vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống trong nền kinh tế.

Một tuần sau khi hoàn thiện các quy định, chiều 01/10, gói nợ xấu đầu tiên của Agribank gồm 11 khách hàng với 27 khoản nợ có tổng giá trị ghi sổ là 2.450 tỷ đồng đã được VAMC mua lại với trị giá 1.723 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm 2013 của VAMC là sẽ mua ít nhất 30.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và VAMC sẽ cơ cấu lại, giúp cả ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là VAMC sẽ làm gì với món nợ mua vào, để giảm thiểu chi phí xử lý và thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu trong nền kinh tế cũng như hỗ trợ tăng trưởng; và rằng VAMC cần ưu tiên gì trong giai đoạn hiện nay?

VAMC cần xem xét lại mục tiêu ưu tiên

Theo Quyết định 53/2013/NĐ-CP thì VAMC được phép tham gia vào cả hai hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu. Theo như lời của ông Nguyễn Quốc Hùng, mục đích của VAMC là cơ cấu lại nợ, đưa mức nợ xấu quay trở về mức cho phép, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp một cách hợp lý, tối ưu nhất. Mục tiêu trong năm 2013 của VAMC là sẽ mua ít nhất 30.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và sẽ cơ cấu lại, giúp ngân hàng, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới thì các SAMC sẽ tiến hành mua lại các khoản nợ xấu từ các NHTM với những mức chiết khấu khác nhau tùy vào đánh giá về chất lượng của các khoản nợ đó. Khi quá trình này được khởi động, nợ xấu tại các NHTM sẽ giảm đi nhanh chóng. Tất nhiên, các NHTM sẽ phải ghi nhận mất vốn một phần vì khi nợ xấu được chuyển sang cho SAMC thì chỉ ở mức giá đã bị chiết khấu.

SAMC sau khi nhận các khoản nợ xấu của các NHTM sẽ tiến hành phân loại và thực hiện các hình thức bán nợ xấu cho các đối tác khác nhau trong nền kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy SAMC không nên dấn sâu vào các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp mà chỉ nên dừng lại ở việc khâu mua nợ xấu và bán nợ xấu.

Như vậy, để khơi thông dòng chảy tín dụng đang bị tắc nghẽn VAMC cần phải thực hiện vai trò chính của nó là mua vào, phân loại, và nhanh chóng bán lại các khoản nợ xấu này theo các mức giá thị trường cho các tổ chức xử lý nợ xấu chuyên nghiệp tư nhân và nước ngoài. Điều này sẽ giúp tạo ra dòng vốn mới cho nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng thay vì tham gia trực tiếp vào quá trình xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay.

Huy động tối đa nguồn vốn quốc tế và hạn chế thời gian mua bán nợ

Với mục tiêu như vậy, việc đánh giá lại nợ xấu của toàn bộ hệ thống và chấp nhận các chuẩn mực quốc tế cần được thực hiện sớm để có thể đánh giá đúng tình hình và đề ra các giải pháp hiệu quả. Nhanh chóng phân loại, định giá và mua các khoản nợ xấu của các NHTM theo giá thị trường, vì để càng lâu chi phí xử lý nợ xấu càng tăng. Điều này đảm bảo cho việc mua được nhiều loại nợ xấu khác nhau trong giai đoạn đầu.

VAMC cũng cần nhanh chóng hợp tác với các NHTM và các TCTD đểmua lại được càng nhiều khoản nợ xấu càng tốt theo mức giá thị trường, và sau khi mua được các khoản nợ đó phải ngay lập tức bán lại cho các tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, để phá băng đống nợ xấu đó và tạo nguồn vốn mới thanh khoản cho nền kinh tế.

Hiện tại, sau 5 tháng kể từ khi Nghị định 53 được ban hành, với vốn điều lệ vỏn vẹn 500 tỷ đồng được cấp từ ngân sách, ngày 1/10, VAMC mới có được bản hợp đồng mua bán nợ xấu đầu tiên trị giá1.723 tỷ đồng chokhoản dư nợ 2450 tỷ đồng của Agribank, bao gồm 11 khách hàng với 27 khoản nợ.

Với các điều kiện khá ngặt nghèo như phải có tài sản đảm bảo và đáp ứng hạn mức dư nợ thì VAMC chỉ mua được các khoản nợ xấu tốt. Hiện nay mới có hơn 10 tổ chức tín dụng đặt vấn đề bán nợ cho VAMC trong đó 4 đơn vị có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mục tiêu của VAMC là từ nay đến cuối năm sẽ phát hành 30.000-35.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, tối thiểu mua được 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Rất khó có thể thực hiện được với các điều kiện hiện tại.

Mặt khác, để thúc đẩy hoạt động mua đi bán lại các khoản nợ xấu thì VAMC cần có dòng tiền thực, như điều hành một quỹ mua bán nợ xấu. Ví dụ như KAMCO, được thành lập trong điều kiện tương đối giống với VAMC, có nhiệm vụ điều hành một quỹ quản lý nợ xấu (NPA) có thời hạn hoạt động 5 năm để giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống. Quỹ NPA này huy động tổng cộng 21,6 ngàn tỉ won, trong đó có 20,5 ngàn tỉ won đến từ việc phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, 500 tỉ won vay từ KDB và số còn lại, 600 tỉ won đến từ các định chế tài chính khác.

Xử lý nợ xấu: vai trò của VAMC?

Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm VAMC chỉ tập trung vào việc mua nợ xấu bằng trái phiếu VAMC. Các NHTM có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để làm vật thế chấp để vay tiền từ NHNN. Như vậy thì, hiệu quả có nó chỉ tương tự nghiệp vụ bơm tiền vào nền kinh tế thông qua cửa số tái cấp vốn của NHNN. Mặc dù các NHTM và TCTD mất khả năng thanh khoản do nợ xấu quá cao có thể tiếp cận được nguồn vốn để tiếp tục tồn tại, và hằng năm chỉ phải trích lập dự phòng 20% (trong vòng 5 năm) nhưng lại dựa trên món tài sản thế chấp là nợ xấu mà không được tiến hành xử lý thực sự.

Có thể thấy hiện VAMC chưa có kế hoạch cụ thể nào trong việc bán lại các khoản nợ xấu sẽ mua, cũng như việc giải quyết các món nợ xấu mua vào. Ví dụ như việc mua trực tiếp hay việc thương lượng để bán các khoản nợ xấu có được cho các tổ chức xử lý nợ chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy mà vấn đề nợ xấu trong nền kinh tế sẽ khó có thể giải quyết được và dòng chảy tín dụng cũng sẽ chưa sớm được khơi thông.

Với tính hình thực tế hiện nay cần có sự tham gia của các tổ chức nước ngoài vào quá trình mua bán và xử lý nợ xấu hệ thống. Bởi lẽ theo kinh nghiệm từ các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, v.v. VAMC phải mua lại nợ xấu của các NHTM bằng “tiền thật” và sau đó mới tìm cách xử lý khoản nợ này. Trong điều kiện tình hình ngân sách èo ọt, tiềm lực trong nước yếu thì việc hình thành cơ chế cho các tổ chức mua bán và xử lý nợ nước ngoài tham gia và thị trường mua bán nợ xấu càng cần kíp hơn.Cho phép các tổ chức nước ngoài có quyền tham gia vào quá trình xử lý nợ. Điều này sẽ giúp cho các công ty mua bán nợ xấu tư nhân mạnh dạn hơn tham gia vào thị trường, thúc đẩy quá trình tăng trưởng và xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu thường rất phức tạp, tốn kém thời gian trung bình khoảng 5 năm, và phải được hỗ trợ bởi nguồn lực tài chính tốt. Do đó, cần có sự chia sẻ chi phí giữa ngân sách nhà nước, các ngân hàng thương mại, và xã hội. Các cổ đông lớn (những người chủ sở hữu ngân hàng) và những khách hàng có nợ xấu sẽ phải gánh chịu chi phí lớn hơn cả để hạn chế rủi ro đạo đức. Thông thường nguồn chính từ ngân sách chính phủ và mộtphần đến từ khu vực tư nhân, và vay mượn từ bên ngoài.

Nếu so sánh VAMC với mô hình KAMCO được coi là thành công của Hàn Quốc thì sẽ thấy một sự khác biệt lớn. Tổ chức này được sở hữu bởi ba đơn vị: Bộ Tài chính và kinh tế (đóng góp 42,8% vốn), KDB (28,6%), và các định chế tài chính khác (28,6%). Công ty này được vận hành bởi một uỷ ban gồm các đại diện đến từ Bộ Tài chính và Kinh tế, bộ Kế hoạch và Ngân sách, Uỷ ban Giám sát Tài chính, Hiệp hội các Ngân hàng, công ty bảo hiểm tiền gửi KDB và ba chuyên gia độc lập (một luật sư, một chuyên gia kiểm toán, và một chuyên gia kinh tế).

Nguồn: Hung, N. D. (2013). Khởi động xử lý nợ xấu [A start to manage non-performing loans]. Nguoi do thi Magazine, 04, 32-33.

I’m Hung Ngyuen

Welcome to Nook, my cozy corner of the internet dedicated to all things homemade and delightful. Here, I invite you to join me on a journey of creativity, craftsmanship, and all things handmade with a touch of love. Let’s get crafty!

Let’s connect